Jun 21, 2011

Kỹ năng giao tiếp: Nói đúng và hiệu quả

[Marketing4u.vn] Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn đối mặt với những tình huống mà ở đó bạn phải đứng dậy vì bản thân mình, yêu cầu thứ mà bạn cần. Với phụ nữ, việc nói ra yêu cầu, mong muốn thực sự của mình thường khó khăn hơn nam giới. Trong con mắt của xã hội, chúng ta đã quen được nhìn với những đức tính như nhu mì, nhẫn nhịn. Điều này có thể để lại hậu quả lâu dài, từ mối quan hệ nghèo nàn đến việc một sự nghiệp tầm tầm, ít được đề bạt.

Hãy Kiểm Tra Xem Bạn Có Mắc Phải Những Thói Quen Sau Đây Không?

1. Quá cẩn trọng trong lời yêu cầu
Chúng ta thường khiến câu hỏi trở nên nhẹ nhàng hơn với những từ như "có lẽ", "ước gì" thay cho "tôi cần", "tôi muốn". Điều này làm cho câu nói của bạn có vẻ dễ nghe hơn nhưng cũng có thể gây "mập mờ" giữa lời đề nghị hay gợi ý, do đó người nghe có thể tiếp nhận nó một cách ít nghiêm túc hơn.

2. Hỏi thay vì nói rõ
Hãy cẩn thận khi chuyển lời tuyên bố của mình thành dạng câu hỏi kiểu như "Màu sắc đó thật tuyệt, phải không?" hay câu "cậu có nghĩ chúng ta nên thử một chút với món hàng đó không?". Những kiểu như vậy làm cho ý đồ của bạn trở nên không rõ ràng. Người nghe có thể sẽ hiểu bạn đang hỏi và không chần chừ gì đưa ra câu trả lời đối nghịch những gì bạn mong muốn.

3. Miễn cưỡng chấp nhận
Khi gặp một câu trả lời đối nghịch những gì bạn mong muốn, một số người lập tức "bỏ cuộc". Tuy nhiên tự nhận thức của bạn về câu trả lời có thể không chính xác. Nếu bạn gặp một câu trả lời như vậy, điều quan trọng là phải nhắc lại mong muốn của mình và yêu cầu thỏa hiệp. Thực ra, mọi người nói chung hoàn toàn thoải mái với một thỏa hiệp lành mạnh.

4. Không biết cách điều khiển ngôn ngữ, cử chỉ
Bạn có thể phát biểu không tồi nguyện vọng của mình nhưng hãy xem liệu ánh mắt, cử chỉ của bạn có nói lên những điều gì khác không.

Theo thống kế: chỉ khoảng 23% giá trị lời nói của bạn nằm ở thông điệp. Hơn 70% còn lại nằm trong giọng nói, điệu bộ, ánh mắt và chắc chắn người nghe đang quan sát bạn rất kỹ. Những nét biểu hiện trên khuôn mặt, thói quen áy náy, bồn chồn như vặn tay, cắn móng tay sẽ "mách lẻo" rằng điều bạn đang nói không phải là những gì bạn thực sự muốn.

Khắc Phục Bằng Cách Nào?

1. Tự tìm hiểu rõ xem mình muốn gì và tại sao?
Việc biết rõ nhu cầu và mong muốn của mình, tầm quan trọng của chúng khiến bạn tạo ra kết quả khả quan. Hãy đánh giá cả nhu cầu của người khác và thử suy nghĩ về biện pháp có thể thỏa mãn cả hai bên.

2. Lường trước những câu trả lời có thể
Điều này dễ dàng hơn nếu bạn bếit người nghe. Hãy dự tính hàng loạt những câu trả lời bạn có thể nhận được và loại trừ từng cái. Chuẩn bị kỹ lưỡng cho từng trường hợp, bạn sẽ nói thế nào, cử chỉ ra sao. Điều này giúp bạn tránh tình trạng rơi vào tình thế bất ngờ và bị động.

3. Thư giãn
Thông thường chúng ta đánh giá quá cao khả năng phủ định. Điều này gây nên sự sợ hãi và khiến việc nói ra những gì mình mong muốn trở nên khó khăn hơn. Thực ra, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là khi yêu cầu của bạn bị từ chối và khi đó, chúng ta tìm một biện pháp khác, vậy thôi.

4. Nói lên yêu cầu
Một khi bạn đã nhắc lại và thư giãn thì còn chần chờ gì nữa mà không tới bên “đối tượng” và nói ra mong muốn của bạn?

5. Đánh giá
Khi việc trao đổi của bạn đã hoàn thành, hãy dành một chút thời gian để đánh giá, rút kinh nghiệm cho lần sau. Hãy xem liệu nó có thể tốt hơn không, bạn đã thành công ở điểm nào? Đừng tự hành hạ mình nếu kết quả diễn ra không được như ý muốn. Thay vào đó, hãy tìm những cách khác để thực hiện mong muốn.


Xoá bỏ sự rụt rè trong giao tiếp


Sự rụt rè có thể gây nên nỗi lo âu cho một số bạn khi giao tiếp với những người mới quen. Bài viết sau đây sẽ đưa ra những thông tin bổ ích giúp cho bạn không còn mắc cỡ và bẽn lẽn nữa.


Bạn hay ngại ngùng và e thẹn? Đó chính là bạn thiếu lòng tin vào bản thân mình. Để hết nhút nhát bạn cần xem lại những đặc điểm tính cách của mình:
  • Xem mình có thể làm được gì và không thể làm gì;
  • Nắm bắt những ưu điểm lẫn khuyết điểm và học cách chấp nhận mình như bạn vốn có.
  • Trước khi bạn cảm thấy tự tin khi gặp gỡ những con người mới và bắt đầu bất kì mối quan hệ nào, cho dù đấy là mối quan hệ riêng tư hay công việc, bạn phải có được sự tự tin ở mức độ nào đó ở chính mình.
  • Sự tự tin ấy có ở trong mỗi con người và nó chỉ cần một sự giúp đỡ nho nhỏ từ bạn để có dịp được thể hiện ra mà thôi.
Nỗi sợ hãi lại là một "thủ phạm" khác làm chúng ta không thể tự do trò chuyện cởi mở với người lạ. Bạn sợ vì mình sẽ trông ngớ ngẩn và bị quê? Thế là bạn đã nhấn một nút "STOP" cho câu chuyện chưa kịp bắt đầu ngay từ câu nói đầu tiên rôì đó!


Cách duy nhất để chiến thắng nỗi sợ hãi là hãy làm chính điều bạn đang sợ và kiên trì làm điều đó.


Khi gặp những người bạn mới, hãy tỏ ra thoải mái, mở rộng lòng mình, đừng tự cho mình là "trung tâm của vũ trụ".


Hãy nói những điều mà người nghe thấy thích thú. Không ai muốn nói chuyện suốt cả buổi chỉ về một người, đặc biệt cố gắng đừng nên quá khoe khoang, khoác lác hay là thần tượng hóa bản thân mình. Nếu bạn làm vậy, chỉ khiến mọi người càng tránh xa bạn mà thôi. Họ có thể ghé qua và lắng nghe bạn, nhưng chỉ vì họ không muốn mình bị cho là thô lỗ, hoặc bất lịch sự. Và thế là bạn tạo ấn tượng xấu ngay từ lần đầu tiên!


Nếu như người khác đang nói, hãy tỏ ra là bạn quan tâm đến vấn đề họ đang trình bày, dù cho bạn ngượng ngùng, không có nghiã bạn phải sử xự thiếu tế nhị. Hãy tôn trọng người khác giống như những gì bạn mong muốn nhận lại từ họ! Hãy lắng nghe và bày tỏ sự quan tâm thật chân thành!


Nếu như bạn được hỏi ý kiến, hãy đưa ra lời đánh giá trung thực. Nếu đó là lời phê bình, hãy cư xử một cách khéo léo chứ đừng nên chỉ có chỉ trích, dè bỉu, hoặc phàn nàn. Bạn biết đấy‎, con người thường không thích nghe rằng mình đã sai hoặc cách làm của mình không thỏa đáng. Hãy nhớ rằng ý kiến của bạn là những điều bạn nghĩ, không phải là những lời khuyên cứng nhắc đế ép buộc người khác.


Bạn có biết những người bạn đang nói chuyện có thể cũng cảm thấy e ngại? Vì vậy, đây là một vấn đề thường gặp đối với cả hai phía vào cùng một thời điểm. Giao lưu, gặp gỡ những con người mới và chiến thắng nỗi nhút nhát là một quá trình chỉ cần bạn bước ra ngoài và trò chuyện. Tôi chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy bạn cũng thân thiện và có thể làm quen nhiều ngươì bạn mới.


Hòa đồng và tạo thiện cảm ngay lần đầu gặp mặt


Liệu bạn đã bao giờ tiếp xúc với một người xa lạ, và chỉ một thoáng sau bạn đã tự nhủ "Người này với mình có những ý nghĩ thật giống nhau!" Hẳn có chung một "tần sóng". Đó là cảm giác thật lạ lùng, gần như là một tình yêu sét đánh.


Cách để trở nên thân thuộc


Những người yêu nhau gọi đó là "sét đánh". Những người bạn mới thì nói đó là "tương phùng". Nó giống như một cảm giác thật kì diệu, cảm giác bỗng nhiên thấy nồng ấm, gần gũi, gắn bó lạ lùng như thế "Chúng ta đã từng là những người bạn của nhau".


Để có thể bước ngay vào "tần sóng" của một ai đó không hề khó. Ngôn ngữ là cách giúp bạn nhanh chóng nhận được sự tương hợp với bất kì ai mà bạn gặp. Nếu bạn đứng trên một đỉnh núi và hô to "xin chào", tiếng vang sẽ vọng lại. Tôi gọi đó là thủ thuật "tiếng vọng" bởi vì giống như tiếng vọng trên núi, bạn sẽ gợi lại cho đối tượng giao tiếp của mình chính xác những từ mà họ đã dùng.


Kiểu ngôn ngữ chỉ ra rằng "chúng ta có cùng tần số"


Khi bạn muốn cho ai cảm giác là bạn và họ giống nhau, hãy sử dụng ngôn ngữ của họ chứ không phải ngôn ngữ của bạn. Giả sử bạn đang bán xe hơi cho một người mẹ trẻ mà theo cô ấy, vấn đề cô quan tâm nhất là an toàn vì cô có một đứa con nhỏ mới chập chững tập đi. Khi giải thích về các đặc tính an toàn của xe hơi, hãy sử dụng từ cô ấy dùng. Đừng sử dụng bất kì từ nào bạn vẫn dùng để tả trẻ con. Đừng nói "cái khóa bảo vệ trẻ em" mà bạn vẫn thường sử dụng trong bán hàng, thậm chí bạn có thể gọi đó là "khóa bảo vệ trẻ chập chững tập đi". Khi người mẹ nghe thấy từ "trẻ chập chững tập đi" từ bạn, cô ấy sẽ có cảm giác bạn như một người thân bởi vì đó là từ mà những người thân vẫn thường dùng để gọi đứa con yêu của cô ấy. Nếu như khách hàng của bạn nói "đứa trẻ" hay "con nhỏ" thì tốt nhất hãy lặp lại từ họ đã sử dụng.


Trong các bữa tiệc


Một bữa tiệc thường tập hợp nhiều kiểu người khác nhau. Người đầu tiên bạn nói chuyện là một luật sư, người luôn nói với bạn rằng "nghề nghiệp" của cô ấy thường không được coi trọng. Đến lượt bạn nói, hãy dùng lại từ "Nghề nghiệp" . Nếu bạn dùng từ "công việc", nó sẽ tạo ra một rào cản vô hình giữa bạn và người đối thoại đó.

Người tiếp theo bạn gặp là một công nhân xây dựng và anh ấy bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách nói về "công việc" của mình. Bạn sẽ gặp phiền toái nếu nói "trong nghề nghiệp của tôi...". Anh ấy sẽ nghĩ bạn là người kiêu căng, khoe mẽ.


Nếu như bạn chú ý nghe, bạn sẽ thấy sự tinh tế trong ngôn ngữ vốn thật lạ lẫm với bạn trước đây. Liệu bạn có tin rằng sử dụng sai từ đồng nghĩa cho một từ dường như không hề phức tạp như từ "có" sẽ khiến cho người khác nghĩ bạn chẳng hiểu gì về thế giới của họ không? Ví dụ như, người yêu loài mèo thích nói về việc "có" những con mèo. Nhưng người nuôi ngựa sẽ nói là "sở hữu" những con ngựa. Điều này không phải là cái gì đó lớn lao. Nhưng nếu abnj dùng sai từ, đối tượng giao tiếp sẽ ngay lập tức khẳng định một kẻ ngoại lai trong lĩnh vực của họ.


"Tiếng vọng" trong nghề nghiệp


Trong môi trường kinh doanh ngày nay, khách hàng luôn hi vọng người bán là người am hiểu lĩnh vực đó chứ không đơn thuần chỉ là một người bán. Họ luôn cảm thấy bạn không hề biết chút gì về ngành nghề của họ nếu bạn không nói được ngôn ngữ chuyên ngành mà họ vẫn thường dùng.


Tôi có một người bạn tên là Penny, đó là người bán đồ nội thất văn phòng. Những người trong ngành in ấn xuất bản, quảng cáo, truyền hình và một số luật sư là những khách hàng của cô ấy. Mặt hàng mà Penny bán là "đồ nội thất văn phòng". Tuy nhiên, cô ấy nói với tôi là, nếu cô ấy sử dụng từ "văn phòng" đối với tất cả các khách hàng của mình, thì họ sẽ khẳng định rằng cô ấy chẳng biết tí gì về nghề của họ.


Cô ấy nói rằng khách hàng là nhân viên làm trong ngành quảng cáo sẽ luôn nói về "công ty" quảng cáo của anh ta.


Khách hàng là một người làm trong ngành xuất bản thì gọi đó là "nhà xuất bản".

Luật sư sẽ luôn nói về đồ đạc dùng cho "văn phòng" của anh ấy, và khách hàng là một người làm cho đài phát thanh sẽ sử dụng từ "nhà đài" thay cho từ "văn phòng".

Penny nói rằng "Đó chính là lĩnh vực họ đang hoạt động và họ luôn gọi tên văn phòng của mình theo một ngôn ngữ riêng. Nếu tôi muốn bán được hàng, tốt nhất tôi nên sử dụng đugns thuật ngữ của họ."

Bí quyết giao tiếp hiệu quả

Một trong những bí quyết để trở thành một người giao tiếp tốt là “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Hãy luôn dừng một chút trước khi đưa ra câu trả lời.

Một khoảng dừng ngắn (từ 3 đến 5 giây) sẽ mang lại cho bạn cả ba lợi ích sau:
  • Thứ nhất, bạn tránh được hành động khiếm nhã là ngắt lời của người đang trò chuyện khi họ chỉ muốn nghỉ lấy hơi một chút trước khi tiếp tục nói.
  • Thứ hai, với việc không chen ngang vào cuộc trò chuyện, bạn thể hiện mình suy nghĩ nghiêm túc trước những lời nói của người đối diện.
  • Thứ ba, bạn sẽ lắng nghe người đang trò chuyện tốt hơn. Nhờ vậy, những lời nói của họ sẽ ngấm sâu vào tâm trí bạn và bạn sẽ hiểu rõ điều họ đang nói. Với một khoảng dừng ngắn trước khi trả lời, bạn thể hiện mình là một người biết cách giao tiếp.

Đặt câu hỏi khi cần

Một cách nữa để trở thành một người giao tiếp tốt là đặt câu hỏi để làm rõ vấn đề. Đừng bao giờ tự cho mình đã hiểu hết những gì người khác đang nói hay muốn nói. Hãy hỏi: “Ý bạn muốn nói gì?” nếu bạn chưa hiểu rõ điều họ trình bày.

Người trò chuyện với bạn khó lòng mà từ chối trả lời câu hỏi này. Khi bạn hỏi “Ý bạn muốn nói gì?”, mọi người sẽ giải thích ý họ rõ ràng hơn. Dựa vào đó, bạn có thể hỏi tiếp những câu hỏi mở khác và khiến cuộc trò chuyện được tiếp nối một cách liền mạch.

Nhắc lại và ngắn gọn hơn
Bí quyết thứ ba để trở thành một người giao tiếp tốt là nhắc lại lời của người trò chuyện với bạn một cách ngắn gọn hơn và bằng ngôn từ của chính bạn. Sau khi gật đầu và cười, bạn có thể nói: “Để xem tôi có hiểu đúng ý bạn không. Bạn muốn nói là …

Nhắc lại lời người khác nói một cách ngắn gọn hơn thể hiện bạn đang thật sự chú tâm và nỗ lực để hiểu ý nghĩ hay cảm xúc của họ. Điều tuyệt diệu là khi bạn biết cách lắng nghe, mọi người sẽ thấy bạn thật cuốn hút. Họ sẽ muốn tiếp xúc với bạn vì họ cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi có bạn bên cạnh.

Luôn luôn lắng nghe
Sở dĩ lắng nghe là một công cụ hữu hiệu trong việc phát triển kỹ năng và nghệ thuật giao tiếp vì nó giúp bạn xây dựng lòng tin. Bạn càng lắng nghe người khác chăm chú, người ta càng tin tưởng bạn hơn. Ngoài ra, lắng nghe cũng góp phần làm người đối diện cảm thấy được tôn trọng hơn.

Cuối cùng, lắng nghe giúp rèn luyện tính kỷ luật của con người. Do trí óc của bạn có thể xử lý từ ngữ ở tốc độ 500 – 600 từ một phút, và mọi người chỉ có thể nói ở tốc độ 100 - 150 từ một phút nên bạn sẽ phải nỗ lực nhiều mới có thể duy trì sự tập trung khi lắng nghe những lời người khác nói. Nếu bạn không luyện tính kỷ luật trong giao tiếp, trí óc của bạn sẽ nhanh chóng “phiêu du” nơi khác. Rèn luyện kỹ năng lắng nghe chính là một cách hay để bạn phát triển tính cách và nhân cách của chính bạn.

Bài tập dành cho bạn

Đây là hai bài tập bạn có thể thực hiện ngay để luyện kỹ năng giao tiếp:
  • Đầu tiên, hãy tập thói quen luôn dừng 3 đến 5 giây sau khi nghe người khác nói rồi hãy trả lời.
  • Thứ hai, hãy luôn hỏi “Ý bạn muốn nói gì?” nếu bạn chưa hiểu rõ những điều mọi người nói. Việc này sẽ giúp bạn lắng nghe họ tốt hơn.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường xuyên phải giao tiếp với nhiều người, với nhiều đối tượng thuộc các tầng lớp khác nhau. Sự tinh tế, khéo léo trong cách ứng xử với mọi người đã giúp cho chúng ta đạt tới một nghệ thuật, nghệ thuật giao tiếp.

Có thể, bạn rất khéo trong cách nói chuyện nhưng lại rất khó khi bắt đầu, hoặc kết thúc cuộc nói chuyện. Hãy thử làm theo một số mẹo dưới đây để giúp bạn tự tin hơn nhé:
  • Khi bắt đầu một cuộc gặp, cần chuẩn bị một số vấn đề để thảo luận cũng như các câu hỏi có liên quan. Nếu bạn từng gặp một người nào từ trước đó, cố gắng nhớ những thông tin về anh ấy, các thói quen, sở thích hoặc bất cứ vấn đề gì liên quan đến cả bạn và anh ta.
  • Đầu tiên hãy nói lời chào. Nếu bạn không chắc họ nhớ tên của mình thì hãy giới thiệu tên của bạn để tránh bị bối rối. Cười và bắt tay đối tác.
  • Giới thiệu về mình, cố gắng nhớ tên của đối tác và nên sử dụng thường xuyên.
  • Hãy bắt đầu câu chuyện bằng các câu hỏi mở. Ví dụ “Mọi người tham dự có vẻ rất đầy đủ, anh đến đây được bao lâu rồi?”. Hoặc bạn cũng có thể hỏi về các chuyến đi, hỏi xem họ có quen biết những vị khách khác không, và quen trong trường hợp nào.
  • Lắng nghe và đưa ra các ý kiến phản hồi để thể hiện bạn là người rất quan tâm đến câu chuyện của đối tác. Mắt nhìn đối tác, đừng bao giờ liếc quanh căn phòng trong khi họ đang nói.
  • Bạn nên lắng nghe nhiều hơn nói.
  • Hãy đóng góp ý kiến một cách tích cực. Luôn cập nhật thông tin, sự kiện để câu chuyện thêm phong phú. Hãy bắt đầu bằng câu hỏi: "Bạn nghĩ gì về vấn đề…?", "Bạn đã bao giờ nghe…". Tuy nhiên, cũng cần tránh đưa quá nhiều chủ đề bởi như vậy rất dễ rơi vào tình trạng lan man, nhàm chán.
  • Hãy tiếp cận và liên kết mối quan hệ giữa nhiều người với nhau trong cuộc gặp để câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.
  • Nếu một ai đó đưa cho bạn một tấm card, hãy đón nhận như là một món quà. Cầm bằng cả hai tay, và dành một chút thời gian để đọc nó. Khi đã đọc xong, cất tấm card vào trong túi áo hoặc trong ví để khẳng định giá trị của nó.
  • Ngôn ngữ cơ thể cũng rất quan trọng. Nó sẽ chỉ rõ bạn là người như thế nào. Do vậy, dù muốn hay không, khi nói chuyện với người khác cũng phải thể hiện sự mạnh mẽ, tự tin để người khác cảm thấy bạn là người nhiệt tình.
  • Trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện, hãy quan sát và lắng nghe những phản ứng của đối tác để có những điều chỉnh thích hợp.
  • Khi kết thúc cuộc gặp, hãy chắc rằng bạn rời đi một cách tế nhị. Ví dụ: "Xin lỗi, tôi có một chút việc ở đằng kia, hẹn gặp lại anh nhé!".
Nhớ rằng, mục tiêu trong cuộc gặp là để lại ấn tượng tốt với mọi người, tạo dựng và duy trì mối quan hệ lâu dài với đối tác. Vì thế bạn cần phải khéo léo, nhanh nhạy trong mọi tình huống, nói ngắn gọn và luôn thể hiện sự nhiệt tình.