Aug 10, 2011

Nghề Marketing - "Nói dối và tiêu tiền"?

[Marketing4u.vn] Marketing tức là gì? Là “nói dối và tiêu tiền”. Đó là cách mà nhiều người vẫn nghĩ về cái nghề vừa quen thuộc lại vừa xa lạ này. Thực tế, những người làm nghề marketing phải chịu nhiều vất vả hơn những gì người ta nhìn thấy từ họ.

Cũng có người nghĩ rằng marketing tức là bán hàng rong, tiếp thị hay phát hàng khuyến mãi… Thực tế thì đó chỉ là một vài khâu rất nhỏ thông công việc mà một marketing phải làm.

Không chỉ có “áo trắng cổ cồn”

Nói đến nghề marketing, nhiều người nhắc ngay tới một người hiện đang được coi là marketing giỏi nhất Việt Nam, đó là anh Lê Trung Thành – phó giám đốc Pepsi Việt Nam, đồng thời là sáng lập viên Trường dạy nghề marketing IAM. Nhưng để trở thành người “làm thuê số 1” với mức lương 6.000 USD/tháng, ít người biết được Trung Thành đã bắt đầu bằng những ngày lang thang trên phố với các bảng điều tra trên tay, và giá tiền công anh được trả cho mỗi bảng điều tra như thế chỉ có 5.000đ.

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều sinh viên học ngành marketing đều sẵn sàng làm thêm những công việc “giãi nắng, dầm mưa” như đi phát hàng khuyến mãi, làm điều tra thị trường… dù mức thu nhập từ những công việc này khá bèo bọt. Xuất phát từ quan điểm “tất cả những công việc này dù chỉ là một phần “nhỏ xíu” trong nghề marketing song ai muốn trở thành người làm marketing đều phải biết”, nên dù biết sẽ rất mệt, rất khổ những người “nhăm nhe” lao vào nghề vẫn vui vẻ làm.

Trở lại với nhân vật “marketing giỏi nhất Việt Nam”, Lê Trung Thành. Năm 1992, thời điểm ở thị trường Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện hoạt động khảo sát thị trường thì Thành đã là một thành viên trong nhóm khảo sát ấy.

Thành lúc đó đang là sinh viên nhưng cũng rất hăm hở thử sức mình dù khái niệm “khảo sát thị trường” lúc đó mới chỉ được nghe “sơ sơ”. Nhưng chính quãng thời gian vất vả đó giúp Thành hiểu thêm, vỡ vạc thêm được nhiều điều mà trường đại học không dạy cậu, thầy giáo không thể trao cho cậu.

Tuy nhiên, sẽ thật sai lầm nếu cho rằng marketing chỉ có nghĩa là như thế. Đó mới chỉ là bước khởi đầu. Thực tế cho thấy, được tham gia vào các dự án điều tra để phát triển thị trường của các công ty lớn dù khó, dù khổ vẫn là điều may mắn đối với những sinh viên học marketing.

Bạn Quỳnh H., sinh viên năm cuối chuyên ngành marketing cho biết, bốn năm ngồi trên giảng đường đại học, H. tranh thủ “kinh qua” các nghề khác nhau liên quan tới chuyên ngành cô đang học, từ phát hàng khuyến mãi tại siêu thị, tiếp thị sản phẩm mới tại các nhà hàng tới việc tranh thủ những lúc rảnh rỗi đi làm điều tra. Mỗi công việc đều có những khó khăn riêng nhưng vì “nghề marketing hấp dẫn quá” nên H. sẵn sàng “đương đầu với thử thách”.

Nhưng như thế chưa đủ để trở thành một nhà marketing chuyên nghiệp. Khi thị trường phát triển cùng với sự “nhảy vào” ồ ạt của các “đại gia” trong lĩnh vực kinh doanh thì những người khao khát làm marketing còn cần nhiều hơn thế.

Sự sắc sảo và thông minh dù là tố chất cần thiết song chưa đủ để đáp ứng những đòi hỏi khó khăn của nghề này. Kinh nghiệm nghề nghiệp thực sự là yếu tố quan trọng để quyết định sự thành bại. Những người muốn bám trụ với nghề như Trung Thành buộc phải hiểu điều này.

Vị phó giám đốc 34 tuổi này đã chấp nhận trở thành nhân viên sale (bán hàng). Khủng khiếp nhất là khi cậu phải đi bán một mặt hàng “khó gặm” là nhựa đường. Chính giai đoạn này giúp Thành hiểu ra: Làm marketing không chỉ là mặc áo sơ mi cổ cồn, xách ca – táp bóng bảy.

Đào thải liên tục

Thị trường Việt Nam mới chỉ thực sự phát triển trong khoảng mươi năm gần đây. Vì thế, theo nhận định của giới làm marketing thì tuổi của nghề này tối đa cũng mới chỉ có chục năm. Điều này lý giải vì sao những người làm marketing nhận định, làm marketing ở Việt Nam còn quá nhiều khó khăn.

Khó khăn mà những người muốn làm nghề này vấp phải chính là ngay từ việc học tập, giáo trình giảng dạy chưa thực sự hoàn thiện cùng môi trường đào tạo còn mang nặng lý thuyết.

Người làm nghề marketing phải luôn giữ được sự minh mẫn trong tư duy, sự mới mẻ trong suy nghĩ. Chính vì thế, dù muốn, dù không những người làm luôn phải chịu áp lực rất lớn.

Sự biến đổi không ngừng của thị trường cũng như sự thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng khiến những nhà kinh doanh đòi hỏi ở người làm marketing sự “thức thời”.

Thông thường, theo kinh nghiệm người trong nghề thì một người làm marketing chỉ nên đảm nhiệm một công việc trong thời gian tối đa là 3 năm. Sự luân chuyển này vừa đảm bảo mang lại hiệu quả cho công việc, vừa giảm bớt phần nào áp lực cho những người làm marketing.

Thực ra, marketing bao gồm rất nhiều khâu. Một phòng marketing thường được chia thành nhiều bộ phận nhỏ đảm nhiệm những nhiệm vụ khác nhau như bộ phận nghiên cứu thị trường, bộ phận quảng cáo, bộ phận bán hàng… Tuy nhiên, những bộ phận này vẫn luôn có sự liên hệ mật thiết với nhau để đảm bảo mang lại lợi ích tốt nhất cho công việc kinh doanh.

Chính sự liên quan này giữa các bộ phận khiến người ta không thể tách bạch riêng biệt từng công việc một cách quá rõ ràng. Vì thế, một nhân viên marketing tức là một nhân viên có thể làm được một trong số tất cả các công việc kể trên.

Có thể nói, marketing là khâu quan trọng không thể thiếu trong công việc kinh doanh nên những người làm nghề này có nhiều cơ hội để lựa chọn. Nhưng theo những người từng làm marketing thì đối với họ, thu nhập chỉ là một phần, phần quan trọng hơn chính là môi trường làm việc.

Bạn Quỳnh H. cho hay, mơ ước của H. là được làm việc cho một công ty của người nước ngoài. Theo cô, mặc dù ở môi trường này tất cả mọi vấn đề liên quan tới chiến lược phát triển đều được hoạch định trước, người làm marketing vì thế ít có cơ hội phát huy khả năng, hoặc nếu có thì cũng là sáng tạo trong khuôn khổ. Song bù lại, đây thường là môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại.

Rõ ràng ở đây, người làm marketing đang có sự so sánh giữa môi trường làm việc cho các công ty trong nước với các công ty nước ngoài. Tuy khó phủ nhận là các công ty trong nước ít nhiều còn thiếu tính chuyên nghiệp trong chiến lược phát triển sản phẩm, thương hiệu nên marketing vì thế chưa tìm được vị trí xứng đáng, song cũng không thể nhìn nhận rằng, nhiều doanh nghiệp người Việt đang nhận ra tầm quan trọng của công việc marketing. Các bạn trẻ lựa chọn ngành này cũng vì thế mà không còn cảm thấy “ngại” các công ty trong nước như trước.

Nếu cảm thấy mình có khả năng trở thành một marketing và có niềm say mê thì tại sao bạn không thử tìm hiểu nghề này? Có một điều chắc chắn mà những người có niềm say mê thực sự đã từng “lăn lộn” với nghề không ngần ngại khẳng định đó là: “Dù khó, dù khổ nhưng đây thực sự là một nghề thú vị!”
Theo tapchimarketing