Feb 22, 2012

Xu thế của 10 ngành kinh doanh nhượng quyền trong năm 2012

[Marketing3k.vn] Điều gì sẽ xảy ra với khu vực nhượng quyền trong tương lai? Bạn hãy xem dự báo 10 xu thế ngành hàng trong năm 2012 của trang Entrepreneur để có được hướng đầu tư tốt nhất cho mình.
Điều gì sẽ xảy ra với khu vực nhượng quyền trong tương lai? Căn cứ vào dự báo 10 xu thế ngành hàng trong năm 2012 của trang Entrepreneur thì những ngành chăm sóc trẻ em và người lớn tuổi trước đã mạnh thì sắp tới còn mạnh hơn bởi nhóm đối tượng khách hàng của họ đang ngày càng trở nên đông đảo.

Những ngành khác như dịch vụ y tế và spa dù mới “làm mưa làm gió” ở lĩnh vực nhượng quyền nhưng trong năm tới, những phân nhóm ngành này hoàn toàn có điều kiện để tiếp tục tăng trưởng, bất kể tình hình kinh tế của thế giới sẽ ra sao và bất kể ngành đó mới hay cũ. 

(Lưu ý: Dự báo xu thế ngành hàng này không nhằm mục đích giới thiệu hay quảng bá cho một công ty nhượng quyền nào đó. Và dù có “nóng” hay không thì bạn cũng nên xem xét thật kỹ những cơ hội và thách thức trước khi tham gia vào một ngành hàng. Nói một cách khác, bạn phải đọc thật kỹ hồ sơ của đơn vị nhượng quyền, tham khảo ý kiến của luật sư và kế toán, trao đổi với những đơn vị được nhượng quyền trước và nay để tìm hiểu xem đơn vị nhượng quyền có phù hợp với mình hay không).

Ngành ăn nhanh

Một thế hệ mới các cửa hàng ăn nhanh chất lượng hơn đang mọc lên trong khi các đơn vị nhượng quyền “tiền bối” tiếp tục thử nghiệm những món mới trên thực đơn của mình để có thể cạnh tranh.

Ngành chăm sóc trẻ em

Chăm sóc trẻ em là nhu cầu không thể thiếu và hiện các đơn vị nhượng quyền đang dành cho những ông bố bà mẹ vô số các lựa chọn, từ dịch vụ cô trông trẻ, bảo mẫu cho đến các trung tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em. 


Ngành bồi dưỡng năng khiếu cho trẻ

Trẻ em ngày càng năng động. Chính vì thế nên dù có mở lớp vẽ, tạo hình, thể thao, vi tính, hay khoa học thì đơn vị nhượng quyền vẫn sẽ hút khách hàng nhí. 


Ngành thể dục thể thao

Ngành thể dục, thể thao sẽ vẫn tiếp tục phát triển mạnh. Chỉ cần có quyết tâm là người tập có vô khối các phòng tập nhượng quyền để lựa chọn học khiêu vũ, võ thuật, đấm bốc…


Ngành dịch vụ y tế 

Ngày càng có nhiều các công ty tìm kiếm và lôi kéo các bác sỹ phẫu thuật tham gia khu vực nhượng quyền để làm những dịch vụ như giảm cân, vật lý trị liệu, nắn xương và đặc trị. 

Ngành bán đồ thanh lý 

Các cửa hàng bán đồ thanh lý đang tái sinh trở lại nhờ những vị khách hàng muốn tìm cách bán bớt đồ của mình đi để có thêm tiền. Mặc dù quần áo là món hàng thanh lý chủ yếu nhưng bên cạnh đó bạn cũng có thể thấy cả đồ điện tử, thể thao và thậm chí cả nhạc cụ.


Ngành kinh doanh bánh kẹp sandwich

Năm nay Subway đã “qua mặt” McDonald's để trở thành chuỗi cửa hàng bánh mỳ kẹp lớn nhất trên thế giới. Điều này chứng tỏ bánh mỳ kẹp “lợi hại” thế nào. Và ngành này hiện vẫn còn nhiều đất cho những cửa hàng nhượng quyền nhỏ phát triển, bất kể là đã có một gã khổng lồ có tên Subway. 

Ngành chăm sóc người cao tuổi 

Với thực tế là đứa trẻ đầu tiên của thế hệ baby boomer (bùng nổ dân số) đã bước sang tuổi thứ 65 vào năm nay thì thị trường dịch vụ cho người cao tuổi vốn đã mạnh sẽ còn hứa hẹn những cú đột phá. Các đơn vị nhượng quyền hiện đang “chào” nhiều loại dịch vụ, từ đơn giản như cho thuê người làm bầu bạn cho đến chăm sóc y tế, trại an dưỡng, dịch vụ vận chuyển...

Ngành dịch vụ Spa 

Trái với dự đoán, các doanh nghiệp nhượng quyền chuyên cung cấp các dịch vụ xa xỉ như mát-xa và spa sẽ “phất” trong điều kiện kinh tế khó khăn, chủ yếu là nhờ mô hình hội viên/khách hàng thường xuyên. 


Ngành gia sư

Giáo dục là lĩnh vực các ông bố bà mẹ sẽ không tiếc tiền đầu tư cho con cái họ. Vì thế không có gì lạ khi số trung tâm gia sư nhượng quyền đã lên tới hàng ngàn và sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai. 

Sang số

Một điểm mấu chốt làm cho các trung tâm thể dục, thể thao nhượng quyền rất được “chuộng”: đó là sự tiện lợi. Một trung tâm thể dục nhỏ mở cửa từ sáng đến đêm dĩ nhiên là đáp ứng được điều kiện của tất cả mọi người, từ những chuyên gia chỉ có nửa giờ ăn trưa cho đến những công nhân làm ca. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhóm đối tượng bị bỏ quên: những người lái xe tải đường dài, những đứa trẻ béo phì vì gà rán, khoai tây chiên, những đối tượng ít vận động.


Chính vì thế mới đây Snap Fitness đã phối hợp với Rolling Strong – một công ty chăm sóc sức khỏe cho các lái xe – để mở thí điểm những phòng tập di dộng tại các điểm đỗ xe tải Pilot Flying J trên khắp nước Mỹ trong quý 1 năm 2012. Thay vì ngồi trong bãi để xe nhâm nhi trà, cà phê, những người lái xe có thể vào phòng tập rộng 90m2 đặt trong một xe công-ten-nơ để sử dụng máy chạy bộ, xe tập đạp và máy tạ. Mức phí hàng tháng để được tham gia các phòng tập kiểu này của Snap Fitness là 29,95 USD. Với mô hình dịch vụ này, tất cả các bên đều được lợi: người lái xe được nâng cao sức khỏe, Snap có thêm khách hàng, Pilot Flying J thu hút mọi người đến để tập luyện. 

"Lái xe là những người bị chi phối bởi thói quen” – Peter Taunton, người sáng lập kiêm CEO của Snap nhận xét. “Khi thói quen đã ăn sâu, họ sẽ lập lịch trình cho chuyến đi để có thể dừng lại tập thể dục trước khi lên xe đi tiếp chặng đường dài hàng trăm cây số”. 

Điểm đỗ xe mới chỉ là khởi đầu. Snap và các trung tâm thể dục, thể thao đang tìm cách đưa các phòng tập vào khách sạn, sân bay, khu ký túc xá và nhiều khu vực tiềm năng khác. Lời khuyên của tác giả: nên đặt cả phòng tập trong những cửa hàng ăn nhanh – như thế mọi người sẽ đỡ mất công chạy sang phòng tập. 

Trần Thu Phượng Dịch từ Entrepreneur
Bài đọc thêm: